Chi tiết bài viết - Xã Hải Thái - Gio Linh

TỔNG QUAN VỀ XÃ HẢI THÁI

Giới thiệu tổng quan về xã Hải Thái



Hải Thái là xã thuộc vùng đồi trung du, nằm về phía Tây của Huyện Gio Linh, cách trung tâm Huyện Gio Linh khoảng 14km. Phía Đông giáp xã Gio Sơn, xã Linh Hải, phía Tây giáp xã Linh Trường và một phần của xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, phía Nam giáp xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, phía Bắc giáp xã Gio An.

Hải Thái là địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua khoảng 5 km, rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế hàng hóa của nhân dân.

Hải Thái có căn cứ Cồn Tiên. Trên điểm cao 158 phía tây huyện Gio Linh có một phiến đá to, cao 3 mét, dài 4 mét, rộng 2 mét, mặt đá bằng phẳng có hình như ô bàn cờ, tương truyền cứ vào buổi chiều khi mặt trời khuất núi, bảy cô Tiên với trang phục trắng muốt từ trên trời xuống hạ giới chơi cờ, tắm suối. Do vậy, người dân địa phương gọi là động Cồn Tiên. Nằm cách đường 74 khoảng 1 km phía Tây bắc. Sau năm 1967, hệ thống phòng thủ bắc Quảng Trị ra đời, Cồn Tiên là mắt xích quan trọng của tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra. Ngày nay, Cồn Tiên là một trong 333 di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trong 2 cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị.

Trên địa bàn xã có các khe suối (Khe Mướp, Khe Lòn…) là chi nhánh của sông Bến Hải từ thượng nguồn chảy qua, có các hồ nước tự nhiên được cải tạo thành hồ đập thủy lợi nhỏ để phục vụ cho sản xuất và đời sống, đó là các hồ: Lô Mua, Bái Sơn, Trằm Sắn, hồ thủy lợi 1B, 4B, 5B, 6B, 7B, …. Điều kiện tự nhiên vốn có, cùng với sự chinh phục, cải tạo của nhân dân đã trở thành tiềm năng, thế mạnh cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Xã Hải Thái có tổng diện tích đất tự nhiên là: 2531.73 ha. Cũng như các xã vùng Tây Huyện Gio Linh, Hải Thái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 18°C đến 31°C, được chia thành 2 mùa rõ rệt.

Mùa khô nóng: từ tháng 4 đến tháng 8, nắng nóng liên tục diễn ra, kèm theo gió phơn Tây Nam (gió Lào). Từ tháng 5 đến tháng 7 gió Lào thổi mạnh làm cho thời tiết khô nóng, nhiệt độ tăng cao từ 32°C đến 40°C.

Mùa mưa: từ tháng 9 năm trước kéo dài đến tháng 3 năm sau. Từ cuối tháng 10 có những đợt không khí lạnh tràn xuống, độ ẩm không khí tăng cao, kèm theo những đợt mưa lũ và những đợt rét kéo dài. Lượng mưa phân bố không đều, cao nhất là vào các tháng 9 và 10 đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các loại cây trồng công nghiệp như cây cao su, cây hồ tiêu…

- Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương di dân, đi xây dựng vùng kinh tế mới của Tỉnh Quảng Trị. Ngày 20/9/1975, hơn 4000 nhân khẩu, gồm các xã Hải Thọ, Hải Quy, Hải Trí, Hải Trường thuộc Huyện Hải Lăng hành trình ra vùng Tây huyện Gio Linh để xây dựng quê hương mới, lập nên xã Hải Thái.

Tháng 5/1976, ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sáp nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 11/3/1977, Chính phủ ra quyết định số 62/CP sáp nhập hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và 8 xã thuộc huyện Cam Lộ thành huyện Bến Hải. Ngày 01/6/1985, tỉnh Bình Trị Thiên chủ trương thành lập Nông trường – xã, lúc này xã Hải Thái đã trở thành mô hình nông trường - xã. Đây là mô hình kinh tế kết hợp giữa công nhân và nông dân, vừa trồng cây công nghiệp vừa sản xuất nông nghiệp. Về quản lý nhà nước, nông trường xã như một đơn vị cấp xã thực hiện đầy đủ các hoạt động hành chính và giải quyết các mối quan hệ về dân sự.

Ngày 8/5/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 87-QĐ/TW về việc tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 23/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 91/QĐ-HĐBT chia huyện Bến Hải thành 2 huyện: Gio Linh và Vĩnh Linh.

Ngày 29/3/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định số 163/QĐ-HĐBT về việc tách mô hình Nông trường - xã, để đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, xã Hải Thái trở về tên gọi cũ.

- Hiện nay có 05 thôn với tổng dân số là: 4682 người, có 1160 hộ; trong Tỷ lệ hộ nghèo 3,146%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021: 40.200.000 đ (Bốn mươi triệu hai trăm nghìn đồng); Xã đạt 17/19 tiêu chí NTM.